Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2008

Mua bán & Sát nhập – xu thế mới của thị trường Việt Nam ?

Mua bán & Sát nhập – xu thế mới của thị trường Việt Nam ?
M&A chủ đề nóng:
Gần đây rất nhiều bài báo trên các phương tiện truyền thông có đề cập đến xu hướng M&A sẽ là một trong những diễn biến chủ đạo trên thị trường tài chính trong thời gian tới. Số liệu thống kê cho thấy quan điểm này không phải là không có cơ sở:

Năm Số giao dịch M&A Tổng giá trị giao dịch (triệu US$)
2007 113 1,869
2006 38 299
2005 22 61
2004 23 34
2003 41 118
Nguồn: PricewaterhouseCoopers

Hoạt động M&A trong nửa đầu 2008 đạt tổng giá trị 347 triệu USD, bao gồm 48 thương vụ. Con số tương tự năm 2007 là 736 triệu và 47 vụ.
Nhận xét hoạt động M&A tại Việt Nam trong thời gian qua:
Một đặc thù của hoạt động M&A trong thời gian qua chủ yếu là A (acquisition) trong đó chủ yếu là các nhà đầu tư nước ngoài mua vào các doanh nghiệp cổ phần hoá, phát hành thêm cổ phiếu trong giai đoạn thị trường chứng khoán “nóng bỏng”. Một diễn biến khác khá sôi động đó là các thương vụ mua bán các dự án bất động sản, khách sạn và resorts. Một đặc điểm chung là hầu như các giao dịch này không có việc hoà trộn 2 doanh nghiệp hiện hữu hoặc một doanh nghiệp bị thu mua phải hoà tan vào doanh nghiệp còn lại.
Do đó có thể kết luận rằng hoạt động M&A tại Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu là việc “gia nhập” thị trường của các nhà đầu tư (chủ yếu là nhà đầu tư nước ngoài) thông qua việc mua vào cổ phần của các doanh nghiệp ở Việt Nam.
M&A có phải là cứu cánh trong giai đoạn thử thách của nền kinh tế Việt Nam?
Theo tôi cần chia họat động M&A tại Việt Nam thành hai nhóm như sau:
- Hoạt động M&A xuyên lãnh thổ: các nhà đầu tư nước ngoài mua các doanh nghiệp trong nước hoặc các công ty đa quốc gia đã hiện diện ở Việt Nam mở rộng bằng các mua lại các doanh nghiệp có khả năng mang lại giá trị gia tăng cho đầu tư của họ ở Việt Nam. Hoạt động này sẽ chủ yếu là A (acquisition) và do đó độ thành công và tính phức tạp của hoạt động này không lớn.
- Hoạt động M&A trong nước: các doanh nghiệp bắt tay nhau, sát nhập với nhau thành các doanh nghiệp mạnh hơn, bổ trợ cho nhau về thị trường vv. Hoạt động này sẽ thể hiện nhiều M (merger) hơn. Ngòai ra, các doanh nghiệp trong nước cũng có thể mua các doanh nghiệp nhỏ hơn ở cùng họăc khác ngành để mở rộng ngành nghề kinh doanh, bổ trợ cho ngành kinh doanh hiện có vv.
Khi nền kinh tế toàn cầu đi vào suy thoái, thị trường tài chính toàn cầu điều chỉnh mạnh sẽ dẫn đến hàng loạt các công ty lâm vào tình trạng khó khăn dẫn đến cơ hội chính của họat động M&A toàn cầu sẽ là các giao dịch tái cơ cấu theo kiểu “special situation” hay “distressed assets”. Trên thị trường thế giới, các quỹ đầu tư, các ngân hàng đầu tư lớn đang gấp rút huy động vốn cho loại hình đầu tư này trong khi co cụm và phòng thủ cho các thể lọai đầu tư mà chúng ta thấy đổ vào Việt Nam trong thời gian qua. Qua trao đổi với các quỹ đầu tư nước ngòai và một số ngân hàng đầu tư trong khu vực, chúng tôi thấy nhu cầu cho họat động M&A xuyên lãnh thổ vào thị trường Việt Nam tập trung chủ yếu vào lọai hình này.
Ở các thị trường phát triển hoặc ngay cả các nước trong khu vực, khung pháp lý, chuẩn kế toán cũng như các điều kiện khác cho thể loại giao dịch này đã hình thành và tạo điều kiện cho chúng diên ra. Tuy nhiên, điều kiện ở Việt Nam vẫn chưa cho phép các giao dịch này được diễn ra ngay. Do đó, mặc dù nhu cầu nêu trên đã xuất hiện, các lọai giao dịch “special situation / distressed assets” khó có thể diễn ra sôi động trong nừa sau của năm 2008 và đầu 2009.
Đối với giao dịch sát nhập giữa các doanh nghiệp trong nước, điều kiện để loại hình này có thể phát triển có ý nghĩa hiện vẫn chưa xuất hiện đầy đủ:
- khả năng quản lý của các doanh nghiệp trong nước, cũng như nguồn cung nhân lực có khả năng quản trị cao cấp đều ở mức hạn chế. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp cũng đã mở rộng đầu tư ra nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau dẫn đến việc đội ngũ nhân lực đủ sức và lực để quản trị doanh nghiệp bị dàn trải nhiều. Đối với các giao dịch M&A cần đến khả năng quản trị và lèo lái việc sát nhập, tái cấu trúc, hoạch định chiến lược sẽ gặp nhiều thách thức
- Vốn: với chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và quá trình giảm đòn bẩy nợ (de-leverage), các doanh nghiệp hiện nay đang gặp những thách thức trong việc tiếp cận vốn cho quá trình sản xuất kinh doanh. Do đó việc tiếp cận vốn cho các giao dịch sát nhập cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán vốn cũng khó có thể thực hiện dễ dàng trong thời gian tới.
- Hiện nay, các doanh nghiệp lớn trong cùng ngành thường có cơ cấu thị trường, sản phẩm và khách hàng tương đối giống nhau. Việc đầu tư dàn trải theo chiều rộng (đa ngành, đa lĩnh vực) trong thời gian qua phần nào làm giá trị của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đồng thời giảm động cơ sát nhập các doanh nghiệp này với nhau. Do vậy, cần phải có giai đọan tái cơ cấu các doanh nghiệp này trước khi họat động sát nhập có thể diễn ra hiệu quả.
Như vậy có thể tóm tắt rằng, nhu cầu cho họat động M&A tại Việt Nam trong thời gian tới chủ yếu liên quan đến việc tái cơ cấu doanh nghiệp thể hiện qua việc bán hoặc tách các công ty con, các đơn vị trực thuộc không thuộc lĩnh vực kinh doanh chủ lực. Nhu cầu tái cơ cấu lại tài sản của doanh nghiệp cũng có thể tăng thể hiện qua mong muốn bán, sang nhượng các tài sản nhằm thu hẹp bảng tổng kết tài sản, tăng vốn khả dụng. Tuy nhiên bài toán vốn vẫn sẽ thách thức rất lớn để có thể vượt qua trong thời gian tới trong khi khối đầu tư ngọai sẽ co cụm. Do đó, khó có khả năng họat động M&A có thể diễn ra sôi động trong nừa sau năm 2008 và đầu 2009. Có chẳng là những giao dịch mua bán công ty loại vừa và nhỏ.